Sơn bảo vệ kết cấu thép, được gọi chung là sơn kết cấu thép, bao gồm nhiều lớp sơn được sử dụng để bảo vệ kết cấu thép khỏi ảnh hưởng của thời tiết và môi trường ăn mòn đa dạng. Công đoạn sơn cần quan tâm đặc biệt khi kết cấu thép phải đối mặt với các điều kiện khí hậu tự nhiên và tác động liên tục của các yếu tố gây ăn mòn ở mức độ khác nhau. Hiện nay, trên thị trường có một lượng lớn các nhà sản xuất sơn kết cấu thép, dẫn đến sự đa dạng về sản phẩm sơn kết cấu thép.
Vì vậy, để lựa chọn đúng loại sơn kết cấu thép phù hợp, việc xác định rõ bề mặt cần được sơn, mục đích sử dụng và các yêu cầu cần phải đáp ứng là cần thiết. Để giúp mọi người có cái nhìn sâu hơn và dễ dàng chọn lựa loại sơn kết cấu thép phù hợp với nhu cầu của mình, bài viết sẽ tiến hành phân loại và tổng hợp chi tiết về các đặc điểm, tính chất và mục đích sử dụng của các loại sơn kết cấu thép đang có sẵn trên thị trường.
Sơn kết cấu thép có thể được phân loại thành ba loại chính, bao gồm sơn kết cấu thép gốc alkyd, sơn kết cấu thép gốc epoxy và sơn kết cấu thép gốc polyurethane (Pu).
-
Sơn kết cấu thép 1 thành phần gốc Alkyd
Bao gồm các loại sơn chống rỉ và sơn phủ trang trí, bảo vệ các kết cấu thép ở các tòa nhà văn phòng, các nhà máy xí nghiệp, các loại xe tải vận chuyển hàng hóa và bảo vệ các kết cấu thép của các loại tàu sắt bao gồm những khu vực không tiếp xúc trực tiếp với nước biển như: boong tàu, xà lan, khung xương tàu, các khoang chứa hàng…
Tính chất vật lý của sơn kết cấu thép 1 thành phần
- – Vì là sơn 1 thành phần nên rất dễ và tiện lợi khi thi công
- – Sơn khô nhanh và khả năng bám dính tốt
- – Khả năng chống rỉ sét tốt và bền màu trong môi trường ăn mòn thường
- – Độ bóng: tùy thuộc vào từng hãng sơn mà độ bóng khác nhau
- – Màu sắc: Thông thường sơn chống rỉ kết cấu thép alkyd có màu xám (ghi) và màu nâu đỏ, còn sơn phủ kết cấu thép alkyd có nhiều màu sắc hơn
- – Độ phủ của sơn kết cấu thép 1 thành phần: Độ phủ của sơn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như bề mặt cần sơn, tay nghề thợ thi công, công tác chuẩn bị bề mặt và mục đích sử dụng.
Thành phần chính sản xuất sơn alkyd chống rỉ:
- – Nhựa alkyd dầu dài
- – Bột màu chống gỉ
- – Bột độn
- – Phụ gia đặc biệt khác
- – Dung môi
Cách sử dụng sơn kết cấu thép 1 thành phần gốc alkyd
- – Trước khi sơn bề mặt vật liệu cần phải vệ sinh sạch sẽ, khô ráo, không có tạp chất
- – Đối với vật liệu đã có lớp sơn cũ phải sử dụng chất tẩy sơn để loại bỏ
- – Nên thi công khi nhiệt độ bề mặt vật liệu cần sơn cao hơn nhiệt độ điểm sương là 3 độ C trở lên, nhiệt độ và độ ẩm phải được đo ở gần vật liệu cần sơn
- – Sơn kết cấu thép gốc alkyd là sơn 1 thành phần nên chỉ cần bật nắp khuấy đều rồi dùng ru lô, chổi quét sơn hoặc máy phun sơn để sơn trực tiếp lên bề mặt cần sơn
Số lớp thi công: 1 lớp sơn lót chống rỉ + 2 lớp sơn phủ. Tuy nhiên từ từng trường hợp cụ thể có thể sơn 2 lớp lót chống rỉ + 3 lớp sơn phủ. Thời gian để sơn các lớp tiếp theo tối thiểu là sau 2 giờ và tối đa là sau 8h ở điều kiện nhiệt độ môi trường là 30 độ C.
-
Sơn epoxy kết cấu thép 2 thành phần
Sơn epoxy kết cấu thép là các loại sơn epoxy 2 thành phần tạo một màng sơn chống ăn mòn, mài mòn và tăng tuổi thọ cho tất cả các kết cấu thép trong môi trường ăn mòn cao như: đáy tàu, thân tàu, bông tàu, các bộ phận xúc của con tàu, các bể chứa hóa chất, bể chứa dầu, ống dẫn dầu và các khoang tàu chở dầu thô.
Tính chất vật lý của sơn epoxy kết cấu thép 2 thành phần
- – Là sơn epoxy 2 thành phần: Thành phần A (phần sơn) và thành phần B (chất đóng rắn)
- – Sơn epoxy kết cấu thép có khả năng chống mài mòn với sức đề kháng tuyệt vời với nước biển, dầu thô, dầu nhiên liệu và mài mòn.
- – Sơn epoxy dùng cho kết cấu thép áp dụng được trên cả thép mới và cũ
- – Dễ sử dụng, chỉ cần loại bỏ tất cả các tạp chất trên bề mặt cần sơn sau đó phủ trực tiếp sơn epoxy kết cấu thép lên.
- – Màu sắc: cũng giống như sơn kết cấu thép alkyd 1 thành phần thì sơn epoxy chống rỉ kết cấu thép chỉ có 2 màu ghi (xám) và nâu đỏ, còn sơn phủ epoxy kết cấu thép thì đa dạng màu hơn.
- – Độ phủ lý thuyết: độ phủ của sơn epoxy kết cấu thép ngoài phụ thuộc vào các yếu loại sơn, tay nghề thợ thi công, bề mặt cần sơn… thì còn tùy thuộc vào độ dày của màng sơn khi khô. Nếu độ dày màng sơn khi khô là 100µm thì 1kg sơn epoxy kết cấu thép sẽ sơn được từ 7-8m2.
Thành phần chính sản xuất sơn epoxy 2 thành phần:
- – Nhựa epoxy 75%
- – Đóng rắn amide
- – Phụ gia chống gỉ (Kẽm oxit, kẽm phosphat)
- – Bột độn
- – Dung môi
Cách sử dụng sơn epoxy kết cấu thép
- – Đầu tiên cũng phải làm sạch bề mặt cần sơn: loại bỏ toàn bộ bụi bẩn, dầu mỡ, các lớp sơn cũ và các tạp chất khác trên bề mặt cần sơn.
- – Nếu bề mặt cần sơn có những khuyết tật lồi lõm, khe nứt thì phải sử dụng bột bả chuyên dụng cho kết cấu thép để sửa chữa
- – Nhiệt độ bề mặt cần sơn và môi trường xung quanh tương tự như khi sơn kết cấu thép alkyd 1 thành phần.
Dụng cụ thi công: cọ, chổi quét sơn hoặc sử dụng máy phun sơn.
Vì là sơn 2 thành phần cho nên trước khi sử dụng sơn epoxy kết cấu thép phải tiến hành trộn sơn. Phương pháp trộn như sau:
- – Trộn đều riêng lẻ từng thành phần A và B sau đó mới đổ từ từ thành phần A vào thành phần B rồi tiến hành trộn thật đều cho đến khi tạo thành hỗn hợp đồng nhất. Sử dụng máy trộn sơn hoặc máy khuấy sơn.
- – Không nên đổ thành phần A và thành phần B vào nhau rồi mới tiến hành trộn vì nếu làm như vậy khi trộn sơn sẽ không được đều và giảm chất lượng màng sơn sau khi hoàn thiện.
- – Có thể sử dụng dung môi pha sơn để pha cùng sơn (tùy thuộc vào yêu cầu kỹ thuật của từng nhà sản xuất sơn) nhưng không nên sử dụng quá 5-10% thể tích sơn. Lưu ý, sử dụng dung môi pha sơn khi tiến hành đổ 2 thành phần A và B vào nhau để trộn.
- – Không giống như sơn kết cấu thép alkyd, sơn epoxy kết cấu thép có thời gian sống nhất định(tùy thuộc vào hãng sơn kết cấu thép: 6h, 8h, 12h…) do đó chỉ nên trộn lượng sơn vừa đủ để thi công hết trong khoảng thời gian sống của sơn vì nếu để quá thời gian sống đó sơn sẽ đông cứng (chết) và không sử dụng được nữa.
- – Sau khi trộn xong sơn, dùng ru lô, cọ quét sơn hoặc máy phun sơn phủ trực tiếp sơn epoxy kết cấu thép lên bề mặt cần sơn.
Số lớp đề nghị thi công: 1 lớp sơn epoxy chống rỉ + 2 lớp sơn phủ epoxy. Cũng tùy vào từng trường hợp cụ thể và mục đích sử dụng có thể sơn 02 lớp sơn epoxy chống rỉ và 03 lớp sơn phủ epoxy.
Thời gian giữa các lớp phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường, loại sơn và bề mặt thi công, thông thường tối thiểu là 6h và tối đa là 12h.
-
Sơn kết cấu thép polythane (Pu)
Sơn kết cấu thép polythane dùng để bảo vệ lâu dài cho các thiết bị máy móc, kết cấu sắt thép nội ngoại thất, bồn chứa công nghiệp, hệ thống ống ngầm, ống gió, kết cấu cầu, tàu thuyền…
Tính chất vật lý của sơn kết cấu thép gốc PU
- – Khô nhanh, cứng.
- – Chịu mài mòn rất tốt
- – Chống chịu được với môi trường ăn mòn nghiêm trọng
- – Chịu UV, dung môi, hóa chất rất tốt
- – Bám dính rất tốt trên bề mặt lớp sơn chống gỉ hệ Epoxy, alkyd đã được làm sạch
- – Làm tăng tuổi thọ và bền màu lâu dài cho các kết cấu thép
- – Màu sắc đa dạng giống như sơn phủ kết cấu thép alkyd và sơn phủ epoxy kết cấu thép
- – Quy cách đóng gói và độ phủ của sơn kết cấu thép polythane tương tự như sơn epoxy kết cấu thép 2 thành phần.
Thành phần chính sản xuất sơn epoxy PU 2K:
- – Nhựa acrylic
- – Đóng rắn: HDI Coronate HX; Coronate HX-T
- – Bột độn
- – Dung môi công nghiệp
Cách sử dụng sơn kết cấu thép gốc PU
Các bước tiến hành thi công và những lưu ý tương tự như khi thi công sơn epoxy kết cấu thép. Số lớp thi công là 1 lớp sơn lót epoxy chống rỉ + 02 lớp sơn phủ kết cấu thép gốc PU.
Sưu tầm
HGPT – Nhà thầu kết cấu thép uy tín tại miền Trung
Xem thêm các sản phẩm tương tự
CÔNG TY CƠ KHÍ HÀ GIANG PHƯỚC TƯỜNG (HGPT Mechanical)
Địa chỉ: Đường số 8, KCN Hoà Cầm, P.Hòa Thọ Tây, Q.Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng
Hotline: 0903 283 779 – 0914 113 116
Mail: info@hgpt.vn – Website: https://hgpt.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/cokhihagiangphuoctuong